Kết quả tự hào, truyền thống vinh quang, vượt mọi khó khăn xây dựng nền y tế “công bằng, hiệu quả và phát triển”*

Hôm nay, Bộ Y tế tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Thầy thuốc VN 27/2/2011. Báo GĐ&XH xin đăng toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu tại Lễ kỷ niệm này.

(Toàn văn Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu tại Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2011 và triển khai kế hoạch năm 2011, kế hoạch 5 năm 2011-2015 thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong lĩnh vực y tế - Hà Nội, ngày 21/02/2011).

- Kính thưa các Đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước,

- Kính thưa các vị đại biểu và khách quý,

Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân Tân Mão và chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng, hôm nay, Bộ Y tế tổ chức Lễ kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống của ngành 27/02/1955-27/02/2011 và triển khai kế hoạch năm 2011, kế hoạch 5 năm 2011-2015 thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong lĩnh vực y tế. Thay mặt cán bộ, nhân viên ngành Y tế, tôi trân trọng cảm ơn đồng chí Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành và toàn thể các đồng chí đã quan tâm dành tình cảm và thời gian đến dự buổi lễ trọng thể này.  

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu (giữa) phát biểu khai mạc Lễ phát động “Hiến máu tình nguyện - Một nghĩa cử cao đẹp” - Mở đầu Ngày hiến máu nhân đạo của cán bộ, công nhân viên chức cơ quan Bộ Y tế ngày 18/2/2011 tại Hà Nội. Ảnh: Chí cường

  Trong những năm qua, cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, ngành Y tế cũng trải qua những khó khăn, thách thức, triển khai công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN đã đạt được kết quả bước đầu đáng tự hào.   1. Tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể, đạt 73 tuổi. Việt Nam đã tiến đến gần Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với chỉ tiêu tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi, tỷ số tử vong mẹ giảm mạnh từ những năm 1990. Năm 2009, lần đầu tiên sau nhiều năm, ngành Y tế đạt và đạt vượt mức toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch do Quốc hội, Chính phủ giao (gồm 4 chỉ tiêu của QH và 15 chỉ tiêu của CP). Năm 2010, ngành tiếp tục duy trì được thành tích này.   2. Chúng ta đã xây dựng được một mạng lưới y tế dự phòng rộng khắp từ trung ương tới thôn, bản. Mạng lưới y tế dự phòng được củng cố, hoạt động y tế dự phòng được tăng cường, giám sát dịch chặt chẽ, khống chế và dập dịch kịp thời, không để dịch lớn xảy ra, kịp thời ứng phó với các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiên tai, thảm họa như bão, lũ, lụt lội, hạn hán... Về y tế cơ sở, 100% số xã và 90% số thôn bản đã có nhân viên y tế hoạt động, >80% số xã có bác sỹ hoạt động, tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế ước đạt 80%.  

Danh sách tập thể được tặng thưởng cờ thi đua của Chính phủ

1. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bộ Y tế;

2. Bệnh viện Nhi Trung ương, Bộ Y tế;

3. Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bộ Y tế;

4. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Bộ Y tế;

5. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế;

6. Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế;

7. Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương I, Bộ Y tế;

8. Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm Trung ương I, Bộ Y tế;

9. Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế;

10. Báo Sức khỏe và Đời sống, Bộ Y tế;

11. Trường Đại học Y tế Công cộng, Bộ Y tế;

12. Nhà Xuất bản Y học, Bộ Y tế;

13. Trường Đại học Y Hải Phòng, Bộ Y tế;

14. Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế.

3. Mạng lưới KCB từ tuyến y tế cơ sở đến trung ương, cả công lập và ngoài công lập, được mở rộng và củng cố. Số giường bệnh viện công lập đến năm 2010 đạt mức 20,5/10.000 dân. Thông qua nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn “xã hội hóa” các cơ sở KCB được củng cố về cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ, đầu tư trang thiết bị để cung cấp dịch vụ KCB đa dạng và chất lượng hơn.

Một số chính sách về nâng cao chất lượng dịch vụ được ban hành, thực hiện mang lại hiệu quả cao, như Chỉ thị 06/2007/CT-BYT và Quyết định 1816 về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh... Sau 2 năm thực hiện Đề án 1816, đã giảm được trung bình 30% tình hình quá tải bệnh viện tuyến trên. Nhờ đó, số người KCB tại các bệnh viện công lập và trạm y tế tăng, đạt hơn 2 lần KCB/người/năm. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai, như: ghép thận, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc, ghép gan, phẫu thuật nội soi...

4. Về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản, từ năm 2005, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và tiếp tục được duy trì mức sinh này trong 5 năm qua. Dân số năm 2009 là 85,8 triệu người, thấp hơn so với các dự báo trước đây. Mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS được củng cố và phát triển, bao phủ 100% huyện, 93% xã, 84% thôn, bản. Tỷ lệ bệnh viện có khoa sơ sinh, đơn nguyên sơ sinh ngày càng cao. Dịch vụ làm mẹ an toàn được thực hiện rộng rãi ở các tuyến.

5. Về nhân lực y tế, số lượng cán bộ y tế được đào tạo đã tăng lên nhiều qua các năm qua, đặc biệt là số bác sỹ, dược sỹ đại học, điều dưỡng và kỹ thuật viên y học. Hiện nay số nhân lực y tế của Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có tỷ lệ cao, tăng từ 29,2/10.000 dân năm 2001 tăng lên 34,4/10.000 dân. Mạng lưới các trường đào tạo nhân lực y tế đã được mở rộng. Cả nước có 21 trường/khoa đại học y, dược công lập và 3 trường/khoa y đại học tư thục. Hầu hết các tỉnh đều có trường trung cấp hoặc cao đẳng y tế.

Nhìn chung, chất lượng nhân lực y tế đã tăng lên. Nhiều loại hình CBYT mới được hình thành, như cử nhân điều dưỡng, cử nhân y tế công cộng và cử nhân kỹ thuật y tế. Nhiều CBYT đã được đào tạo nâng cao trình độ ở bậc sau đại học như bác sỹ nội trú, CK1, CK2, thạc sỹ và tiến sỹ. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật được tăng cường, thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại... 

6. Về công tác dược, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu thuốc thiết yếu của nhân dân. Các cơ sở y tế từ bệnh viện đến trạm y tế đều có đủ thuốc phù hợp với phân tuyến kỹ thuật. Công nghiệp dược phát triển mạnh về số lượng doanh nghiệp và mặt hàng. Các quy định về chất lượng thuốc được rà soát và sửa đổi để dần dần đạt các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Về trang thiết bị, đã được đầu tư và nâng cấp đáng kể, nhiều cơ sở y tế có các trang thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh nhân. 

7. Về tài chính cho y tế đã có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Tốc độ tăng chi y tế bình quân hằng năm đạt 9,8%. Tỷ trọng chi NSNN cho y tế trong tổng chi NSNN tăng từ 4,8% năm 2002 lên 10,2%. Năm 2008, lần đầu tiên Quốc hội đã có một Nghị quyết về y tế, trong  đó quyết bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của NSNN, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.   Tỷ trọng nguồn tài chính công trong tổng chi cho y tế tăng rõ rệt, từ 20% năm 2000 tăng lên trên 40%, hiện đang phấn đấu đưa tỷ lệ này lên trên 50%. Nhà nước đã huy động vốn từ trái phiếu chính phủ và ngân sách nhà nước để đầu tư nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, liên huyện, bệnh viện tỉnh vùng khó khăn và một số bệnh viện chuyên khoa theo Đề án 47 và 930.   Tỷ lệ bao phủ BHYT trong dân số được tăng lên, ước đạt khoảng >60%. Luật BHYT năm 2008 đã xác định lộ trình đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014. Chính sách hỗ trợ người nghèo và các nhóm dễ tổn thương trong khám chữa bệnh đã có những bước tiến mới. Đến nay, tổng số người nghèo được cấp thẻ BHYT ước đạt >16 triệu người.       

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế tại Hội nghị chuyên đề về công tác DS/KHHGĐ năm 2009. Ảnh: Chí Cường

8. Về quản lý nhà nước về y tế, cơ cấu tổ chức bộ máy hệ thống y tế từng bước được hoàn thiện và dần ổn định ở cả trung ương và địa phương. Sau một thời gian ổn định tổ chức mạng lưới y tế cơ sở, đến nay đã được điều chỉnh và dần ổn định. Công tác hoạch định chính sách và chiến lược của ngành y tế đã có những bước phát triển mới. Nhiều Luật, văn bản dưới Luật, chiến lược, chính sách liên quan y tế đã được xây dựng và ban hành với chất lượng cao. Hoạt động đối thoại trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong và ngoài ngành y tế, giữa các bên liên quan nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng các chính sách đã được tăng cường. Hợp tác quốc tế, tăng cường đối thoại với nhóm đối tác hỗ trợ y tế (HPG) và các tổ chức quốc tế tiếp tục được mở rộng và tăng cường.

Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào đó, ngành y tế hiện đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, đó là:

- Nhu cầu CSSK của nhân dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương thích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường trước; các yếu tố tác động xấu đến sức khỏe ngày càng gia tăng.

- Khả năng đáp ứng của ngành y tế vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ; CBYT còn thiếu, trình độ chưa cao, cơ cấu và phân bổ CBYT mất cân đối; chi tiêu công cho y tế còn thấp; một số cơ chế chính sách ngành còn chậm đổi mới.

- Thách thức trong việc xây dựng một hệ thống y tế theo hướng công bằng và hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế thị trường với nhiều chính sách tác động đa chiều đến y tế, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng.

- Thách thức trong đảm bảo cân bằng giữa phát triển y tế cơ sở, CSSKBĐ để mọi người dân được hưởng dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng với việc phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao để nâng cao trình độ và chất lượng dịch vụ y tế Việt Nam trong bối cảnh chi tiêu công cho y tế còn thấp.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, nắm bắt thời cơ, ngành y tế quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tập trung vào một số phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 và giai đoạn 2011-2015:

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức ngành y tế, hoàn thiện và ổn định mô hình tổ chức hệ thống y tế các tuyến, bao gồm mạng lưới khám chữa bệnh các tuyến, củng cố, phát triển và nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở, mạng lưới YTDP. Hoàn thiện mạng lưới quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; mạng lưới DS-KHHGĐ, mạng lưới phòng chống HIV/AIDS.

- Phát triển nhân lực y tế, tăng cường đào tạo để đảm bảo đủ CBYT với cơ cấu và phân bổ hợp lý. Nâng cao chất lượng CBYT thông qua đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo cán bộ y tế, nâng cao chất lượng giảng viên, đổi mới chương trình, tài liệu và phương pháp giảng dạy. Có chính sách đãi ngộ hợp lý để huy động CBYT làm việc ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục thực hiện chế độ điều động luân phiên CBYT từ tuyến trên về tăng cường cho y tế tuyến dưới theo Đề án 1816. Triển khai thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các CBYT mới ra trường.

- Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ y tế. Từng bước hiện đại hoá kỹ thuật y tế, như chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán hoá sinh, lý sinh, miễn dịch, di truyền, sinh học phân tử, công nghệ gen... Áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến về tim mạch, nội soi, chỉnh hình, ghép tạng... 

- Triển khai tốt các dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, DS-KHHGĐ, an toàn vệ sinh thực phẩm, HIV/AIDS đã được Chính phủ phê duyệt.

- Tăng cường phát triển công nghiệp Dược trong nước, đáp ứng nhu cầu thuốc KCB của nhân dân, đặc biệt là các thuốc thiết yếu. Triển khai các giải pháp quản lý chất lượng thuốc, quản lý giá thuốc và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Tăng cường sản xuất TTB y tế trong nước, trước mắt là các TTB y tế thông dụng, đồng thời từng bước đẩy mạnh sản xuất TTB y tế công nghệ cao, đầu tư các dây chuyền công nghệ tiên tiến cho sản xuất trang thiết bị y tế.

-  Tiếp tục đầu tư NSNN cho y tế (gồm cả nguồn trái phiếu Chính phủ), ưu tiên phân bổ NSNN cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, y tế cơ sở, YTDP và để thực hiện các chính sách xã hội liên quan đến CSSK. Mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ nước ngoài dành cho y tế. Phát triển BHYT toàn dân cả về chiều rộng và chiều sâu; cải cách và đơn giản hóa thủ tục mua, thanh toán BHYT, tạo thuận lợi cho người có BHYT trong KCB. Tiếp tục huy động các nguồn đầu tư của xã hội cho y tế, đồng thời có những điều chỉnh chính sách phù hợp để hạn chế tác động mặt trái của các chính sách xã hội hóa đối với ngành y tế. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ngành y tế.

- Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật y tế; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các lĩnh vực khác nhau của ngành y tế, làm cơ sở để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Thiết lập hệ thống chỉ tiêu và thường xuyên theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả hoạt động lập và thực hiện kế hoạch. Xây dựng và kiện toàn hệ thống thanh tra y tế đủ năng lực để thực hiện chức năng nhiệm vụ theo qui định.

Góp phần làm nên những trang sử vẻ vang và thành tích đáng tự hào của ngành y tế Việt Nam là công lao của nhiều thế hệ cán bộ y tế trong cả nước. Đảng và Nhà nước đã đánh giá cao những thành tựu của ngành y tế và đã trao tặng cho tập thể, cá nhân ngành y tế nhiều phần thưởng cao quý, như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập. Nhiều giáo sư, bác sỹ, dược sỹ, các nhà khoa học và cán bộ của ngành y tế có những cống hiến to lớn trong các lĩnh vực y tế, đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động và giải thưởng cao quý khác.

Nhân ngày Lễ truyền thống của ngành hôm nay, chúng ta bày tỏ tình cảm sâu sắc, tưởng nhớ tới các vị tiền bối của ngành y tế- những người đã có công lớn trong việc xây dựng và phát triển ngành y tế cách mạng Việt Nam, như cố Bộ trưởng, Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch, cố GS. Bộ trưởng, Anh hùng Lao động Hoàng Tích Trí, cố GS. Anh hùng lao động Đặng Văn Ngữ, cố GS. Hồ Đắc Di, cố GS. Anh hùng lao động Tôn Thất Tùng và nhiều vị lãnh đạo tiền nhiệm khác đã góp phần phát triển lịch sử của ngành y tế Việt Nam. Chúng ta cũng bầy tỏ sự kính trọng và tự hào về các vị giáo sư lão thành và cán bộ y tế- những người góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của ngành y tế và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Nhắc lại những trang sử phát triển và trưởng thành của ngành y tế Việt Nam, chúng ta cảm thấy tự hào về truyền thống vinh quang của ngành, về những thầy thuốc ngày đêm quên mình vì sức khỏe và sự sống còn của người bệnh. Nhân ngày Lễ trọng thể này, tôi xin thay mặt cho Lãnh đạo ngành y tế gửi tới những người Thầy thuốc Việt Nam và toàn thể cán bộ công chức, viên chức ngành y tế lời tri ân về những đóng góp của các đồng chí cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành y tế. Thay mặt ngành y tế, tôi xin trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước lời cảm ơn sâu sắc về sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo đối với ngành y tế. Tôi cũng xin cảm ơn các Bộ, Ngành, các cấp uỷ Đảng và chính quyền, tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương, các tổ chức quốc tế, các cá nhân trong và ngoài ngành y tế đã hỗ trợ, cộng tác và giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành y tế cách mạng Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, dạy bảo của Bác Hồ-Người khai sinh nền y tế cách mạng. Ngay khi đất nước mới giành được độc lập, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn luôn luôn dõi theo những hoạt động của ngành y tế. Bác khuyên ngành y tế phải lo vệ sinh cho dân, hướng hoạt động vào vùng thôn quê rộng lớn, vùng dân tộc ít người, kết hợp Đông-Tây y để tận dụng mọi khả năng có sẵn. Tư tưởng chỉ đạo của Người đã trở thành kim chỉ nam cho nền y tế Việt Nam trong 66 năm qua. Lời dạy bảo của Người trở thành những triết lý, những nguyên tắc cơ bản cho các hoạt động y tế nước ta. Tình thương và sự quan tâm của Người là nguồn cổ vũ quý báu, là điểm tựa cho cán bộ y tế hoàn thành sứ mạng cao cả được giao là chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Ngày 27 tháng 2 năm 1955, Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị cán bộ chủ chốt ngành y tế. Trong thư Bác căn dặn cán bộ y tế trong cả nước "phải thương yêu người bệnh; người bệnh phó thác tính mạng của họ với các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy cán bộ y tế cần phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình; coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, Lương Y phải như từ mẫu". Trong suốt 56 năm qua, lời dạy của Bác luôn luôn thấm sâu trong tâm trí của những người thầy thuốc Việt Nam và trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc, các cán bộ, nhân viên ngành y tế. Học theo lời dạy của Bác, các thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, vươn lên trong mọi lĩnh vực công tác, và theo bước bước cha anh viết tiếp những trang sử đầy tự hào của ngành y tế cách mạng Việt Nam.

Sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngành y tế đã đạt được những kết quả quan trọng trong cả nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động:

Về nhận thức, kết quả kiểm tra, khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động tại các đơn vị trong ngành Y tế trong những năm qua cho thấy nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Y tế đã chuyển biến rõ rệt và nâng lên một bước. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Y tế đã nâng cao ý thức giữ gìn, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, y đức được nâng lên, đặc biệt trong công tác khám, chữa bệnh. Theo báo cáo tại các đơn vị đã được kiểm: số đơn thư khiếu nại, thắc mắc của người bệnh và gia đình người bệnh giảm đi rõ rệt, số thư khen ngợi tinh thần, thái độ của Bác sỹ, điều dưỡng đối với người bệnh ngày càng tăng.   Qua phỏng vấn, trao đổi trực tiếp với các cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế, đa số cán bộ đều cho rằng, do được quán triệt, học tập những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nên trong những năm qua, mặc dù chế độ chính sách cho cán bộ ngành còn hạn chế, điều kiện sống còn có những thiếu thốn vất vả, nhưng  cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế đã thấu hiểu, học tập Bác, đồng cam, cộng khổ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống thường ngày để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị.

Về hành động, cán bộ, viên chức ngành Y tế đã tích cực thi đua, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên từng cương vị công tác, hoạt động chuyên môn. Kết quả minh chứng rõ rệt là trong 2 năm 2009-2010, toàn ngành đã đạt và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao. Đặc biệt, cán bộ công chức ngành đã tích cực hưởng ứng Đề án 1816, tăng cường luân phiên cán bộ chuyên môn cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Sáng kiến xây dựng và triển khai Đề án 1816 "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" trong 3 năm qua là minh chứng thuyết phục cho sự sáng tạo dám nghĩ, dám làm của Lãnh đạo ngành Y tế được Đảng và Nhà nước ủng hộ, coi đây là chủ trương đúng, trúng trong điều kiện hiện tại.

Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, trong 4 năm qua, hầu hết các tổ chức cơ sở đảng trong ngành đều đạt tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém, vi phạm kỷ luật đảng. Trong nhiều năm liền, Đảng Bộ Bộ Y tế đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đặc biệt, năm 2010, Cuộc vận động với chủ đề “xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Bộ Y tế, tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Công tác thi đua khen thưởng luôn gắn liền với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều hình thức tôn vinh khen thưởng Bộ Y tế đã tổ chức thành công như: tôn vinh 455 cán bộ y tế cơ sở tiêu biểu xuất sắc trong cả nước, tôn vinh hơn 500 cán bộ dân số cơ sở tiêu biểu xuất sắc, tôn vinh biểu dương các bác sỹ nội trú, các sinh viên y dược tiêu biểu xuất sắc trong nghiên cứu khoa học tại Văn miếu Quốc Tử Giám, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Tuổi trẻ khen thưởng, biểu dương các thầy thuốc trẻ tiêu biểu xuất sắc thuộc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, bình chọn khen thưởng các Bệnh viện xuất sắc toàn diện, tổ chức trao “giải thưởng Đặng Thùy Trâm” cho cán bộ y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hoàn thành nhiệm vụ... Các hoạt động trên thực sự tạo cho hoạt động thi đua khen thưởng của ngành Y tế trong những năm qua luôn luôn sôi động, thiết thực và hiệu quả.

Những thành tích mà cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên Ngành Y tế đạt được những năm qua đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao. Cán bộ, nhân viên Ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, làm việc tận tình, hết lòng vì người bệnh, cứu sống nhiều sinh mạng, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho từng gia đình. Trong các phong trào thi đua, nhiều tập thể và cá nhân điển hình xuất sắc được các cấp khen thưởng. Công tác khen thưởng đã bám sát được tiêu chuẩn, đối tượng và quy trình thủ tục theo quy định đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, khen đi đôi với thưởng, khen thưởng kịp thời.   Cụ thể trong giai đoạn 2006-2010 đã có 09 tập thể và 07 cá nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 156 tập thể và 246 cá nhân được nhận huân chương các loại, 207 tập thể và 281 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 6.106 tập thể và 8.451 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đã trao tặng Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân cho 116 cán bộ và Thầy thuốc ưu tú cho 2.130 cán bộ.   56 năm đã trôi qua nhưng những lời dạy của Người vẫn còn nguyên tính thời sự, ngày hôm nay, những lời dạy đó như vẫn vang vọng trong mỗi trái tim, khối óc của mỗi một cán bộ, nhân viên ngành y tế về tình "thương yêu người bệnh" và phải xây dựng một nền y học dựa trên nguyên tắc "khoa học, dân tộc và đại chúng. Để tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được thông qua cuộc vận động, ngành y tế tiếp tục hoàn chỉnh các tiêu chuẩn đạo đức, quy tắc ứng xử, y đức của người thầy thuốc, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng, đưa thực hiện đi vào chiều sâu. Đồng thời triển khai giảng dạy và học tập đạo đức Hồ Chí Minh trong giáo dục, đào tạo của ngành Y tế.   Toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, ngành y tế nguyện học và làm theo lời Bác dạy, luôn giữ gìn bản chất tốt đẹp của nền y tế Việt Nam: khoa học, dân tộc và đại chúng, là y tế nhân dân, nhân đạo, nhân văn, nhân bản, nhân tâm, tất cả vì sức khoẻ con người - nguồn lực quý nhất của xã hội, chúng ta thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động y tế, nhưng phải kiên quyết giữ bản chất tốt đẹp của xã hội chủ nghĩa của chế độ ta trong công tác y tế, đó là xây dựng một nền y tế "công bằng - hiệu quả - phát triển", vì dân, đặc biệt là trẻ em, người nghèo, người trong diện chính sách,  người ở khu vực miền núi, vùng khó khăn, người cần được Nhà nước hỗ trợ.

Đó chính là phương châm và mục tiêu hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành y tế trong suốt quá trình công tác. Toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành y tế xin hứa với sẽ làm tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạt được sự tiến bộ hơn nữa trong mọi mặt công tác của ngành.

Nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam, cho phép tôi thay mặt Ngành Y tế xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư, của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với Ngành Y tế; sự hợp tác, hỗ trợ của các Bộ, ngành, đoàn thể, của các địa phương và của toàn dân đối với Y tế.

Nhân dịp Năm mới Tân Mão 2011, xin kính chúc sức khỏe các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúc sức khỏe các vị đại biểu và khách quý.

Xin trân trọng cảm ơn. 

Danh sách tặng cờ thi đua của Bộ y tế năm 2010 cho các lĩnh vực công tác   1. Bệnh viện Bạch Mai

2. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

3. Bệnh viện Trung ương Huế

4. Bệnh viện RHM Trung ương TP. HCM

5. Bệnh viện Phổi Trung ương

6. Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên

7. Bệnh viện C Đà Nẵng

8. Bệnh viện 71 Trung ương

9. Bệnh viện K

10. Bệnh viện Thống Nhất

11. Bệnh viện Phổi Hà Nội

12. Bệnh viện đa khoa Đông Anh, TP. Hà Nội

13. Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh

14. Bệnh viện Nhân dân 115, TP. HCM

15. Bệnh viện tỉnh Điện Biên

16. Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

17. Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai

18. Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp

19. Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, TP.HCM

20. Bệnh viện đa khoa Long Phú, Sóc Trăng

21. Bệnh viện Điều dưỡng-PHCN Phú Yên

22. Bệnh viện Thanh Nhàn, TP. Hà Nội

23. Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh

24. TT Y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên

25. TT Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam

26. TT Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An

27. TT Y tế dự phòng tỉnh Đăk Nông

28. TT Y tế dự phòng tỉnh Cần Thơ

29. TT Y tế dự phòng tỉnh Hà Nam

30. TT Kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Tây Ninh

31. TT Phòng chống Sốt rét tỉnh Điện Biên

32. TT Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Phúc

33. TT Bảo vệ sức khỏe Lao động và Môi trường tỉnh Cần Thơ

34. TT Bảo vệ sức khỏe Lao động và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc

35. TT Bảo vệ sức khỏe Lao động và Môi trường tỉnh Đồng Nai

36. TT Kiểm nghiệm thuốc-MP-Thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế

37. TT Kiểm nghiệm thuốc-MP-Thực phẩm tỉnh Vĩnh Phúc

38. Công ty CP Dược-Vật tư Y tế Thanh Hóa

39. Công ty CP Dược Hậu Giang

40. Công ty CP Dược-Vật tư Y tế Nghệ An

41. Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco

42. Công ty TNHH Một thành viên Dược phẩm và sinh học y tế

43. Công ty TNHH Một thành viên Dược phẩm Trung ương 2

44. TT nghiên cứu, sản xuất Vắcxin và sinh phẩm y tế

45. Công ty Vắcxin Pasteur Đà Lạt

46. TT Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình

47. TT Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hà Tĩnh

48. TT Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Cà Mau

49. Trường Đại học Dược Hà Nội

50. Trường Đại học Y Dược Huế

51. Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

52. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế II Đà Nẵng

53. Trường Đại học Y Thái Bình

54. Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Thái Nguyên

55. Bệnh viện Y học cổ truyền TP. HCM

56. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Giang

57. Bệnh viện Y học cổ truyền, Phạm Ngọc Thạch-Lâm Đồng

58. Công ty TNHH Thiên Dược

59. Công ty  TNHH dược phẩm  FITO Pharma

60. TT Chăm sóc SKSS tỉnh Hải Dương

61. TT Chăm sóc SKSS tỉnh Bình Định

62. TT Chăm sóc SKSS tỉnh Cần Thơ

63. TT  Truyền thông GDSK tỉnh Thái Nguyên

64. TT  Truyền thông GDSK  Nghệ An

65. TT  Truyền thông GDSK  Bến Tre

66. TT  Truyền thông GDSK  TW

67. Thanh tra Sở Y tế Đăk lăk

68. Thanh tra Sở Y tế Cần Thơ

69. Thanh tra Sở Y tế Quảng Bình

70. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội

71. Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Ninh Bình

72. Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Hòa Bình

73. Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Quảng Ngãi

74. Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng

75. Chi cục Dân số-KHHGĐ TP. Hồ Chí Minh

76. Chi cục Dân số-KHHGĐ TP. Cần Thơ

77. Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng

78. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh

79. Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn

80. Sở Y tế tỉnh Tây Ninh

81. Sở Y tế tỉnh Đăk Lăk

82. Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long

83. Sở Y tế tỉnh Hải Dương

84. Sở Y tế tỉnh Quảng Trị

85. Cục Y tế Dự phòng

86. Vụ Pháp chế

87. Cục Phòng chống HIV/AIDS

88. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm

89. Hội thiết bị Y tế Việt Nam

90. Công ty Dược-Trang thiết bị y tế Bình Định

91. Chi cục An toàn VSTP, TP. Hồ Chí Minh

92. Chi cục An toàn VSTP tỉnh Hải Dương

93. Chi cục An toàn VSTP tỉnh Quảng Ninh.

* Tít bài do Tòa soạn đặt