Rao bán “con giống”: Vi phạm pháp luật và rủi ro về sức khỏe

Vì quá mong mỏi có con, nhiều người hiếm muộn đã tìm cách mua tinh trùng để bơm trực tiếp vào tử cung. Tuy nhiên, họ lại không thể lường trước được những hậu quả luôn tiềm ẩn.

Nguy cơ mắc bệnh cao

Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, cho biết: "Không có ai dám chắc được rằng những mẫu tinh trùng mua bán bên ngoài lại không mắc bệnh lây nhiễm. Thứ nhất là các cơ sở này không đủ các phương tiện, chuyên môn để kiểm nghiệm chất lượng của tinh trùng. Thứ hai, họ chạy theo lợi nhuận nên làm ẩu, cốt để thu được tiền".

Theo đó, dù mua bán tinh trùng theo kiểu "cấy" tự nhiên hay bơm tươi đều tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ, như lây nhiễm các bệnh phụ khoa khiến sẩy thai, đứa trẻ sinh ra bị dị tật, hoặc gây viêm gan cho cả vợ chồng và con, sau này có thể dẫn tới xơ gan và ung thư gan. Nguy hiểm hơn, có thể mắc phải các bệnh di truyền thể ẩn như tan máu di truyền, máu khó đông...

Bác sĩ Vệ cho biết theo quy định của Luật Hiến, ghép mô, tạng, việc mua bán tinh trùng tuyệt đối bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức. Trong trường hợp người có nhu cầu thì có thể hiến tặng, nhưng chỉ được cho một lần trong đời. Còn đối với tình trạng mua bán tinh trùng tràn lan trên mạng hiện nay có thể dẫn tới nguy cơ người bán "con giống" bán cho nhiều người. Như vậy, những đứa trẻ sinh ra có cùng một người cha rất có thể lại gặp nhau trên đường đời, dẫn đến những cuộc hôn nhân đồng huyết. Đấy là chưa kể những trường hợp đối tượng bán tinh trùng sau khi biết người mua đã có con, liền quay lại dọa nạt để vòi vĩnh tiền...

Phải được làm tại bệnh viện chuyên khoa

 

Ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết, việc mua bán tinh trùng bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức. Mỗi người đều có quyền hiến và nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo nhưng phải đủ điều kiện: Nam giới từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Trung, Nghị định 12 về sinh con theo phương pháp khoa học đã quy định rõ chỉ các cơ sở y tế được Bộ Y tế hoặc sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư công nhận đủ điều kiện mới được thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm. Do đó, việc các phòng khám tư nhân thực hiện bơm tươi tinh trùng (Thanh Niên đã phản ánh) là làm chui. Tới đây, Thanh tra Bộ sẽ căn cứ theo Nghị định 45 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế để xử lý. Tùy theo tính chất mức độ, các phòng khám này bơm tinh trùng chui này sẽ bị phạt tiền hoặc rút giấy phép từ 6-12 tháng.

 

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, tình trạng mua bán tinh trùng trên mạng đang phản ánh nhu cầu có thật của một bộ phận gia đình hiếm muộn, bất chấp việc đó là trái luật và có thể tự rước bệnh vào mình.

"Dẫn đến tình trạng này, tôi cho rằng nhiều gia đình không muốn vào bệnh viện vì mặc cảm, sợ gặp người quen. Mặt khác, người cho cũng ngại đến làm các xét nghiệm và không thể bán trong những lần tiếp theo vì pháp luật quy định mỗi người chỉ được hiến một lần", ông Tiến nhìn nhận và khuyến cáo: "Với trách nhiệm những bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn, chúng tôi thông cảm với những người có hoàn cảnh hiếm muộn và khuyên họ nên đến các bệnh viện chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như con cái sau này".

Cũng theo ông Tiến, việc thụ tinh nhân tạo theo đúng trình tự pháp luật rất đơn giản so với suy nghĩ của nhiều người. Theo đó, gia đình hiếm muộn có thể tìm được người hiến tặng tinh trùng và đưa đến bệnh viện. Khi đã đạt các yêu cầu về sức khỏe, chất lượng "con giống" thì các bác sĩ tại đây sẽ tiến hành lấy mẫu và đảo mẫu bằng cách lấy một mẫu tinh trùng của bệnh viện bơm cho người phụ nữ hiếm muộn, còn mẫu đã lấy sẽ được lưu giữ chờ cơ hội bơm cho người khác. Việc này nhằm đảm bảo cân bằng mẫu tinh trùng cho bệnh viện vì số người hiến còn rất hạn chế.

"Việc hiến tặng phải được sự đồng ý bằng văn bản của 3 người, gồm người cho, vợ chồng người nhận. Mọi thông tin về người cho hay người nhận sẽ được bệnh viện giữ kín tuyệt đối", ông Tiến nói.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, một trong những lý do quan trọng khiến người hiếm muộn tìm đến bơm tinh trùng bên ngoài vì họ cho rằng được quyền lựa chọn "con giống" có trình độ, hình thức tốt, còn ở bệnh viện thì không có được điều đó. Về vấn đề này, bác sĩ Tiến khẳng định bất cứ người đến hiến tinh trùng nào cũng phải hội đủ các tiêu chuẩn như trình độ học vấn tối thiểu THCS, sức khỏe tốt, không mắc các bệnh tật. Ngoài ra, người đến hiến được yêu cầu cung cấp thông tin về phả hệ như ông bà, bố mẹ, anh chị em có ai mắc bệnh hiểm nghèo, di truyền... Mẫu tinh trùng sau khi được lấy sẽ được các bác sĩ tiến hành thau rửa, sàng lọc để chọn những "con giống" tốt nhất có khả năng đậu thai cao.

"Do vậy, không thể coi tinh trùng tại bệnh viện là kém chất lượng, mà ngược lại còn giúp cho người hiếm muộn an toàn về sức khỏe, tương lai con cái", ông Tiến khẳng định.